Tìm kiếm tin tức
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Ngày cập nhật 22/10/2024

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

1. Đặc điểm tự nhiên

- Vị trí địa lý

Phường An Cựu nằm về phía Nam của thành phố Huế, ranh giới hành chính của phường được xác định như sau:

+ Phía Bắc giáp phường Phú Nhuận và phường An Đông;

+ Phía Đông giáp phường An Đông;

+ Phía Nam giáp phường An Tây;

+ Phía Tây giáp phường Phước Vĩnh.

Vùng đất An Cựu xưa nằm gần các thủ phủ của chúa Nguyễn (Kim Long, Phú Xuân 1, Phú Xuân 2), kinh đô của hai triều đại: Tây Sơn và Nguyễn. An Cựu là cửa ngõ phía Nam của Kinh thành Huế dưới triều Nguyễn (1802-1945). Vua Minh Mạng đã cho xây dựng Nam Trường đình ở gần chợ An Cựu xưa. Nam Trường đình là nơi dùng để đón tiễn quan lại từ Quảng Nam trở vào có công cán ra kinh đô. Đây là vị trí thuận lợi để vùng đất này có những tiếp xúc, giao lưu trong quá trình phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống đế quốc Mỹ, cứu nước (1954-1975), An Cựu là vùng ven thành phố Huế, diễn ra nhiều tranh chấp giữa ta và địch. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (26-3-1975), An Cựu nằm trong xã Thủy An, rồi được tách ra và sáp nhập vào thành phố Huế ngày 19-8-1983. Từ đó, An Cựu là một phường thuộc thành phố Huế, cùng các phường xã khác xây dựng đô thị Huế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị thông minh, đô thị di sản.

- Địa hình, đất đai, sông ngòi

Diện tích tự nhiên của phường An Cựu là 2,5604 km² (256,04 ha), chủ yếu là đồng bằng tiếp giáp vùng gò đồi; trong đó có 1/3 là đồi núi, di tích và các khu nghĩa địa nằm xen ghép trong khu dân cư. Địa hình thấp dần từ Tây Nam sang Đông Bắc. Theo số liệu thống kê của Địa chính phường An Cựu năm 2020, đất nông nghiệp của phường là 56,81 ha, chiếm 22,19% tổng diện tích; đất phi nông nghiệp 190,49 ha; 8,73 ha đất chưa sử dụng.

Về địa hình, địa bàn phường An Cựu có hai ngọn núi chính là Ngự Bình và Tam Thai.

Núi Ngự Bình cao 103 m, trước có tên là hòn Mô hay núi Bằng (Bằng Sơn). Núi Ngự Bình là biểu tượng của xứ Huế - “miền sông Hương, núi Ngự”. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Núi Ngự Bình ở phía Tây Bắc huyện Hương Thủy độ 10 dặm, hình núi bằng phẳng vuông vức, đột ngột nổi lên như tấm bình phong, làm án thứ nhất chính giữa phía trước Kinh thành. Tục gọi là núi Bằng Sơn. Năm Gia Long, ban tên ấy. Đỉnh núi bằng phẳng, trồng toàn cây tùng. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), vua ngự lên xem khắp hình thế Kinh thành, thấy có núi đất, ở bên tả là núi Tả Phụ, ở phía hữu là núi Hữu Bật. Năm thứ 17 (1836), đúc chín đỉnh, có khắc hình núi này vào Nhân đỉnh. Năm thứ 19 (1838), vào tiết Trùng dương, vua lại lên chơi, đãi yến các quan ở trên núi, có làm thơ để kỷ niệm. Về sau, cứ đến tiết Trùng cửu đều có cuộc đăng lâm là bắt đầu từ đây. Năm Thiệu Trị, vua làm thơ vịnh 20 thắng cảnh ở Thần kinh, thì đây là cảnh: Bình lãnh đăng cao”. Vua Thiệu Trị xếp núi Ngự Bình là cảnh thứ 12 (đệ thập nhị cảnh) trong số 20 cảnh đẹp đất Thần kinh. Bài thơ Bình lãnh đăng cao (屏嶺登高) như sau:

Phiên âm:

Bình lãnh đăng cao

Ngự Bình Sơn:

Lăng tằng kỳ thạch, thông uất kiều tùng.

Xuất bình địa chi giao cao khởi, quần phong triều củng, tráng thùy thiên chi thế đoan lâm, đương khuyết phiên bình.

Phương ư Trùng Cửu lương thần, bội du yến thưởng, tín thị Đăng Cao thắng hội, tháp cúc nhàn du.

Vọng yên hà nhi sung khuếch khâm hoài, lãm phong vật đắc thiên chân lạc thú.

Nguy nga bảo chướng đế thành Nam,

Giai tiết đề cao ức thắng đàm.

Dịch liễn quang lâm tư sáng thủy,

Vũ thương tiên suất hiệu hô tam.

Thừa ân vũ trụ thiên niên tại,

Túng lãm càn khôn vạn cảnh hàm.

Bách nhị sơn hà tăng tráng cố,

Vân khai thụy khí ái tình lam.

Dịch nghĩa:

“Đăng cao” ở núi Ngự Bình

Núi Ngự Bình:

Đá chồng chót vót, tùng rợp xanh um.

Nổi cao giữa đất bằng, làm nơi triều củng cho muôn núi, sừng sững đến trời cao, tạo bức bình phong của Kinh thành.

Đang buổi đẹp trời ngày Trùng Cửu, đeo thù du mà thưởng yến, đúng nơi thắng hội Đăng Cao, cắm hoa cúc để nhàn du.

Ngắm khói mây tấm lòng rộng mở, nhìn cảnh sắc hưởng thú thiên nhiên.

Núi Ngự Bình như thành lớn che ở mặt Nam Kinh thành,

Gặp tiết lành làm thơ để nhớ lại tích hay ngày trước.

Xe ngự đạo đến đây ấy là mở đầu (cho việc vua dự hội Đăng Cao),

Nâng chén rượu, quan quân bắt chước tung hô vạn tuế ba lần.

Núi này nhờ ân vũ trụ mà bền vững ngàn năm,

Trên núi đưa mắt nhìn quanh thấy cả vạn vật trong trời đất.

Sông núi hiểm trở càng tăng thế mạnh của Kinh thành,

Mây tan trời quang đãng khí lành ngùn ngụt bay lên.

Dịch thơ:

Nguy nga đỉnh Ngự án Kinh thành,

Tích cũ trong thơ gặp tiết lành.

Ngự giá mở đầu từ mấy độ,

Rượu nâng chúc tụng đến ba lần.

Nhờ ân vũ trụ ngàn năm vững,

Phóng mắt non cao vạn cảnh xanh.

Hiểm trở núi sông thêm sức mạnh,

Mây tan ngùn ngụt khí trong lành.

Không chỉ là cảnh đẹp của đất Thần kinh, núi Ngự Bình còn là “địa chỉ đỏ gắn với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế; từ năm 1930 cờ Đảng đã tung bay trên đỉnh núi nhân sự kiện lần đầu tiên nhân dân lao động Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động mồng 1 tháng 5 dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam; trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Ngự Bình là địa điểm đặt hộp thư cố định, là nơi gặp gỡ, hội ý của các cán bộ cơ sở huyện Hương Thủy, thành phố Huế, nhằm đảm bảo công tác lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng qua các thời kỳ trong và ngoài thành phố đến thắng lợi hoàn toàn”[3].

 Núi Tam Thai cao gần 70 m, cùng núi Ngự Bình tạo nên “Đệ nhất án sơn” che chắn cho Kinh thành Huế, đồng thời là thắng cảnh thiên nhiên tôn vinh thêm vẻ đẹp cho vùng đất Cố đô. Xưa kia trên núi Tam Thai có nhiều cây xanh và một ngôi chùa cổ; dưới chân núi có nhiều ngôi miếu cổ, lăng mộ cổ. Núi Tam Thai là nơi từng diễn ra các trận đánh ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Phía Đông Bắc của núi được lấy làm bình phong cho trường tập bắn, thường gọi là Trường Bia. Để ghi dấu một thắng cảnh có ý nghĩa lịch sử, văn hóa của quê hương, chính quyền thành phố đã lấy địa danh Tam Thai đặt tên cho một con đường thuộc phường An Tây, thành phố Huế.

Về hệ thống sông suối, địa bàn phường có sông An Cựu chảy qua. Sông An Cựu là một chi lưu của sông Hương, dài 27 km, nối sông Hương (ở cửa kênh Ông Hoàng) với đầm Cầu Hai ở Cống Quan thông qua sông Đại Giang. Sông An Cựu còn có các tên gọi khác như, sông Phủ Cam, sông Lợi Nông… Quốc sử quán triều Nguyễn chép về con sông này trong sách Đại Nam nhất thống chí như sau: “Ở phía Bắc huyện Hương Thủy 16 dặm, cửa sông tách dòng từ phía Đông Nam xã Phú Xuân ở bờ phía Nam sông Hương, một dòng chảy theo hướng Đông Nam độ 17 dặm, qua hành cung Thần Phù, lại chảy tám dặm, đến hành cung Thuận Trực, rồi chảy vào phá Hà Trung. Hai bên tả hữu con sông này, ruộng đất có đến mấy ngàn mẫu, nguyên trước là đất ngấm mặn. Năm Gia Long thứ 13 (1814), ngự giá đến Thanh Thủy xem khắp hình thế, rồi mời các vị phụ lão hỏi về việc đào sông ấy, phụ lão thưa: Đào được sông này rất có lợi ích cho nông dân. Vua bèn sai đem quân dân đến đào. Lại xây đắp cửa cống ở hạ lưu sông Thần Phù để ngăn nước mặn, nhờ vậy mà vùng đất ấy mới được phì nhiêu, có nhiều lợi ích. Sông này nguyên tên là sông An Cựu, năm Minh Mạng thứ hai (1821) đổi lại tên này [Lợi Nông]. Trên dưới cửa sông có dựng bia đá làm dấu. Năm thứ 17 (1836), đúc chính đỉnh, có khắc hình sông này vào Chương đỉnh”.

Sông An Cựu có cảnh sắc đẹp, là đề tài của thơ ca. Trong đó, vua Minh Mạng và Thiệu Trị để lại nhiều thơ ngự chế liên quan đến con sông này. Chúng tôi xin giới thiệu một trong số đó là bài thơ Tuần hạnh Lợi Nông hà quan giá hữu tác (Đi tuần sông Lợi Nông xem cấy lúa, làm thơ) của vua Minh Mạng.

Phiên âm:

  Tuần hạnh Lợi Nông hà quan giá hữu tác

Cơ hạ thì tuần kì nội hành,

Tập lao nhi ngụ mẫn nông tình.

Nan cùng mục lực tiền hòa mậu,

Mạc tận tâm hân tạc giá vinh.

Lưỡng thục dĩ thù nhân lực tác,

Biền trăn vĩnh nguyện tuế công thành.

Hàm tri thánh trạch bàng lưu phổ,

Lai vãng trạo ca dật tụng thanh.

Dịch thơ :

   Đi tuần sông Lợi Nông xem cấy lúa, làm thơ

Ngoài quách thung dung mới dạo quanh,

Nhọc nhằn ngụ chút khuyến nông tình.

Mắt trông vời vợi đồng tươi tốt,

Lòng thấy lâng lâng lúa mới xanh.

Mòng mọng đã đền người gắng sức,

Dồi dào cũng thỏa nguyện công thành.

Đều hay ơn thánh ban ra khắp,

Đây đó câu hò tán tụng nghênh.

Sông An Cựu còn là con đường thủy đạo huyết mạch từ kinh thành Phú Xuân - Huế đi đến các vùng trong ngoài địa hạt. Vào đầu thời Nguyễn, bên bờ sông này, ở địa phận làng An Cựu, triều đình đã lập kho chứa, tập kết hàng hóa vật phẩm trước khi nhập vào kho Nhà Đồ ở bên ngoài cửa Chánh Nam Kinh thành Huế. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc xâm lược, sông An Cựu là tuyến đường giao liên, vận chuyển cán bộ, vũ khí... ra vào thành phố.

- Khí hậu:

Địa bàn phường An Cựu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của vùng Huế. Mỗi năm thường có hai mùa chính là mùa mưa và mùa nắng. Mùa nắng khoảng từ tháng 3 đến tháng 8, thời tiết ở đây nắng nóng, chịu tác động của gió Tây Nam khô nóng. Mùa mưa lệch pha so với hai miền Nam - Bắc, từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Khác với mùa khô, mùa mưa chịu ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc, trời nhiều mưa và lạnh.

Nhiệt độ trung bình năm là 250C; nhiệt độ cao nhất trong mùa nóng là 37oC; nhiệt độ thấp nhất vào mùa lạnh có thể xuống 8-10oC. Lượng mưa tương đối lớn, phân bố tập trung lớn nhất trong các tháng 9, 10.

2. Đặc điểm dân cư

Về nguồn gốc, dân cư buổi đầu của làng An Cựu là những lớp cư dân có nguồn gốc từ phía Bắc (mà chủ yếu là vùng Thanh - Nghệ) theo các đoàn người Nam tiến vào khai phá vùng đất mới lập nên làng An Cựu. Trải qua quá trình di cư, khai khẩn và phát triển làng xã, các lớp cư dân An Cựu đã sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này qua nhiều thế kỷ. Cư dân đến sớm có công lao to lớn lập nên làng An Cựu là các vị thủy tổ của 9 họ, gồm: Lê, Trần, Nguyễn, Trương, Võ, Châu, Phan, Hồ, Đinh. Tiếp đó, khoảng thế kỷ XVII-XVIII, họ Nguyễn Khoa cũng đến sinh sống tại làng. Sau đó là 11 họ phụ tộc đến sau, mua đất đai của làng để sinh sống.

Sau ngày đất nước thống nhất, khi 3 đơn vị hành chính Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên (năm 1977), một bộ phận cán bộ, công chức người Quảng Bình, Quảng Trị vào lưu trú trên địa bàn phường để làm việc và sinh hoạt lâu dài. Thời gian này, Ủy ban nhân dân tỉnh trưng dụng, tiếp quản một số cơ sở vật chất của các cơ quan chế độ cũ để làm khu nhà ở tập thể, hoặc quy hoạch khu dân cư để phân cho cán bộ, công nhân viên chức, như: ngân hàng tỉnh (Trường Mai Khôi kiệt 336 Phan Chu Trinh), bãi đậu xe đồn vận tải (kiệt 10 Hải Triều), ngân hàng Hương Thủy (đường An Dương Vương), Sở Giáo dục và Đào tạo (đồn Trường Bia, khu tập thể Cao đẳng Sư phạm ở đường Hồ Đắc Di), khu tập thể Đại học tại chức (đường Duy Tân), khu quản lý đường sắt Bình Trị Thiên (đồn vận tải kiệt 187 Hùng Vương), khu đất 68 đường Ngự Bình (đơn vị 879 vận tải đường sắt), khu tập thể Dệt Thủy Dương (kiệt 100 Ngự Bình)… Ngoài ra, phường còn quy hoạch một số khu dân cư mới, như: Đất xen ghép Trường Bia, đường Hồ Đắc Di tổ 11; đường Duy Tân tổ 18, tổ 19… Trong giai đoạn này, dân cư sinh sống trên địa bàn phường tăng khá nhanh về số lượng.

Sau khi thành lập phường An Cựu năm 1983, phường chia địa giới thành 7 khu vực, 31 tổ dân phố. Năm 1989, phân chia thành 6 khu vực, có 21 tổ dân phố; trong đó: Khu vực 1 gồm tổ 1, 2, 3; Khu vực 2 gồm tổ 4, 5, 6; Khu vực 3 gồm tổ 7, 8; Khu vực 4 gồm tổ 9, 10, 11, 12, 21; Khu vực 5 gồm tổ 13, 14, 15, 16, 17; Khu vực 6 gồm tổ 18, 19, 20. Đến năm 2019, 21 tổ dân phố sáp nhập, điều chỉnh thành 13 tổ dân phố.

Người dân An Cựu có truyền thống cần cù, chịu khó, hiếu học, không ngừng vươn lên trở thành nhân tài cống hiến cho quê hương đất nước. Thời trung đại, làng An Cựu có nhiều nhân vật nổi tiếng về đỗ đạt, làm quan. Dưới triều Mạc (1527-1592), làng có ông họ Hồ (không rõ tên) làm Hiến sát phó sứ đạo Quảng Nam, được Ô châu cận lục chép như sau: “Người làng An Cựu huyện Kim Trà, xuất thân xá sinh Quốc Tử giám, làm quan trải qua các chức phủ huyện, chính sự có tiếng tốt, được thăng Hiến sát phó sứ đạo Quảng Nam”[9]. Làng An Cựu có đến 7 vị đỗ đạt dưới triều Nguyễn, đó là Đỗ Văn Đạo đỗ Cử nhân khoa Đinh Mùi (1847), làm đến Hồng lô tự khanh, Biện lý bộ Công; Nguyễn Khoa Luận (1834-1900) đỗ Cử nhân khoa Tân Dậu (1861), làm quan Bố chánh; Nguyễn Khoa Lượng (1860-1898) đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1891); Nguyễn Khoa Đạm đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894), làm Tư nghiệp Quốc Tử giám; Nguyễn Khoa Tân đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894), làm Tuần phủ Hà Tĩnh; Nguyễn Khoa Trạm đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1906) và Nguyễn Khoa Nghi đỗ Cử nhân khoa Ất Mão (1915).

Làng An Cựu có họ Nguyễn Khoa nổi tiếng là một dòng họ thế gia vọng tộc, trung hiếu tiết nghĩa. Chỉ trong 8 đời đầu tiên đã có đến 10 người được miêu tả có công trạng đặc biệt. Cụ tổ Nguyễn Đình Thân cùng thời với Nguyễn Hoàng, 20 tuổi đã được phong đến tước Quận Công Đô Thống (Đô Thắng hầu). Đời thứ 3 có Nguyễn Khoa Danh (1632-1697), làm quan 3 đời chúa Hiền Vương, Ngãi Vương, Minh Vương đến chức Chánh dinh Câu kê, tước Cảnh Lộc bá. Thế hệ thứ 4 tiêu biểu là Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) với tài văn võ song toàn, là bậc khai quốc công thần, đã để lại cho đời sau bộ Nam triều công nghiệp diễn chí, một trong những bộ sử - tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam. Đời 5 có quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng (1691-1725), khai quốc công thần, cai quản đất Quảng Nam đến Phú Yên rồi được thăng chức Nội tán trong triều, nổi tiếng là vị quan liêm chính. Thời vua Nguyễn, dòng họ Nguyễn Khoa cũng đóng góp nhiều công lao trên các lĩnh vực khác nhau… Tiêu biểu là Nguyễn Khoa Minh (1778-1837, đời thứ 7), Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư bộ Binh; Bố Chánh - Tuần vũ Quảng Yên Nguyễn Khoa Dục (1808-1860, đời thứ 8), con của Nguyễn Khoa Minh.

Thời cận hiện đại, làng An Cựu có Trường Tiểu học An Cựu ra đời từ rất sớm (năm 1920), đáp ứng truyền thống hiếu học của con em trong làng. Thông qua ngôi trường này, các luồng tư tưởng mới được truyền bá vào địa phương, góp phần giác ngộ tư tưởng cách mạng của nhiều thanh niên. Đó là tiền đề quan trọng để đưa đến sự ra đời của Chi bộ Đảng An Cựu - một trong những Chi bộ Đảng đầu tiên của Thừa Thiên Huế.

Nhiều người con ưu tú của An Cựu đã có đóng góp nhiều mặt cho quê hương, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, như Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều, 1906-1954), hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn học nghệ thuật; Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910 - 1967) là Viện trưởng Viện Sốt rét đầu tiên của Việt Nam và là Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng của Trường Đại học Y khoa Hà Nội, đóng góp công lao rất lớn trong nền y học nước nhà; Nguyễn Khoa Điềm là nhà chính trị, nhà thơ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Phường An Cựu nổi bật với truyền thống đấu tranh cách mạng, có 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 121 liệt sĩ. Truyền thống đó của các thế hệ cha ông, mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Về dân số, phường An Cựu là địa bàn đông dân, luôn biến động cơ học về mặt dân số. Năm 1983 khi mới tách thành lập phường, dân số An Cựu có 9.373 người. Theo số liệu thống kê đến năm 2020, phường An Cựu có 23.976 người. Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên ở mức thấp, năm 2005 là 1,2%; năm 2010 là 1,12%; năm 2020 còn 0,69%.

Dưới đây là bảng dân số phường An Cựu giai đoạn 1983-2020:

Năm

1983

1990

1995

2000

2005

2010

2015

2020

Dân số (người)

9.373

11.859

12.129

16.042

17.718

22.620

23.629

23.976

Người dân làng An Cựu xưa - phường An Cựu nay có tinh thần yêu lao động, cần cù, chịu khó trong sản xuất, phát triển kinh tế; yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng đứng lên đấu tranh vì độc lập dân tộc, chống kẻ thù xâm lược; có truyền thống hiếu học, nhiều thế hệ học hành đỗ đạt, đem tài năng phục vụ quê hương. Đó là những truyền thống hết sức quý báu, góp phần quan trọng trong xây dựng phường ngày càng giàu đẹp.

Lê Trung Hiếu - UBND phường An Cựu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 745.925
Truy cập hiện tại 21